HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, hoi khuyen hoc viet nam tinh khanh hoa

HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, Giấy phép số: 10/GP-STTTT, ngày 28 tháng 4 năm 2016, Địa chỉ: 1A Phan Bội Châu - Nha Trang - Khánh Hòa, Điện thoại: 058.3561722, Email: khuyenhockh@gmail.com, Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Việt Dân (Chủ tịch Hội)

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM - TỈNH HỘI KHÁNH HÒA, Địa chỉ: 1A PHAN BỘI CHÂU, TP.NHA TRANG, KHÁNH HÒA, Điện thoại: (058)3561722.

CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÊN VỚI TRANG WEB CỦA HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA ... Hội Khuyến học tỉnh Khánh Hòa

HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, 17 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (4/5/1998 - 4/5/2015)

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN Ở TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ DIÊN THỌ, HUYỆN DIÊN KHÁNH, TỈNH KHÁNH HÒA

Một vùng bán sơn địa còn nhiều khó khăn :

          Xã Diên Thọ nằm về phía Tây của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; cách trung tâm Huyện trên 10 km.

Toàn xã có 5.028 khẩu, gồm có 1.033 hộ gia đình được chia thành 5 thôn. Tổng diện tích gieo trồng là 154 ha/1.511 ha, trong đó, cây lâu năm 537 ha, đất vườn 274 ha, đất rừng 380 ha, đất thổ cư 140 ha.

Xã có 01 Trường Mầm non, 01 Trường Tiểu học, 01 Trung tâm Học tập Cộng đồng, 01 trạm y tế được xây dựng khang trang. Tất cả, đều đạt chuẩn Quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đa số chủ yếu sống bằng nông nghiệp và các ngành nghề khác như: chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn, một số ít làm dịch vụ buôn bán nhỏ. Trong những năm gần đây, đời sống nhân dân từng bước được phát triển đã góp phần giảm số hộ nghèo trong từng thôn. Xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Diên Thọ là xã có bề dày lịch sử lâu đời. Trước năm 1975, Diên Thọ là một trong những địa phương có phong trào cách mạng khá sôi nổi, được Nhà nước phong đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2008. Nhiều di tích lịch sử được các triều vua nhà Nguyễn ban sắc phong như đình Phước Lương, Miếu bà Thiên-Y-A-Na. Trong năm 2014, đình Sơn Thạnh thuộc thôn Sơn Thạnh, được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cơ sở pháp lý :

          Chưa bao giờ vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng và Nhà nước quan tâm như hiện nay. Không thể có một nông thôn mới, một nước công nghiệp hiện đại khi hàng triệu lao động nông dân không có tay nghề vững vàng, chưa qua đào tạo. Chính vì lẽ trên, ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai ở nhiều nơi

         Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân và nông

thôn, tháng 10 năm 2008, Chính phủ đã ra nghị  quyết ban hành chương trình hành  động của Chính phủ, trong đó có mục tiêu: tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập một bước cho người nông dân.

          Nhằm cụ thể hóa chương trình hành động trên, tháng 11 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đề án nêu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là cơ sở hành lang pháp lý để các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát triển nhằm nâng cao chất lượng lao động ở các làng, xã, thôn, xóm...

Vận dụng các chủ trương của Đảng và Nhà nước về dạy nghề lao động ở nông thôn vào thực tế Trung tâm Học tập Cộng đồng ( TTHTCĐ ) xã Diên Thọ :

Đề án đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn là đề án có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, luôn nhận được sự đồng thuận rất cao các tầng lớp nhân dân. Và để các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự đi vào cuộc sống,  tập thể Ban Giám đốc TTHTCĐ xã đã bàn bạc, xin ý kiến lãnh đạo Đảng ủy để triển khai thực hiện.

Trước hết,  TTHTCĐ tổ chức điều tra nhu cầu học nghề trong nhân dân, chọn những nghề lao động nông thôn sao phù hợp với địa phương. Nghề đó thực sự cần thiết và gắn bó với bà con và điều quan trọng nhất là sau khi hoàn thành xong khóa học, trên 70% học viên tiếp tục áp dụng nghề đó để tăng thu nhập và cải thiện kinh tế đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau đó, họp ban chỉ đạo cùng với các ban ngành đòan thể tại địa phương bàn bạc, lên kế hoạch mở lớp, phân công cụ thể số lượng cho từng đòan thể để cùng nhau vận động theo chỉ tiêu, sát hợp với đối tượng có nhu cầu học tập.

Với những bước đi vững chắc trong những năm qua, từ năm 2013 đến 2018, TTHTCĐ xã Diên Thọ đã có những bước chuyển mình trong việc tổ chức dạy nghề cho lao động ở nông thôn :

Năm 2013: Tổ chức lớp dạy nghề “chăn nuôi gà thả vườn” cho 33 học viên. Hiện nay, luôn có 26 đến 28 hộ áp dụng và nuôi từ 200 đến 800 gà thả vườn/ mỗi gia đình để tăng thu nhập. Phong trào nuôi gà thả vườn đã được nhân rộng trên địa bàn xã. Hàng năm, TTHTCĐ luôn có chương trình phối hợp với trung tâm khuyến nông, mở những lớp chuyển giao cách phòng trừ bệnh dịch cho loại gia cầm nói trên.

Năm 2014 : Tổ chức lớp dạy “Nấu ăn” cho 32 học viên nữ. Có thể nói, đây là mô hình dạy nghề khá thành công. Qua thống kê, cuối năm 2018, có 22 học viên của lớp nấu ăn còn “ nấu ăn ” trong các nhà trường có tổ chức bán trú trên địa bàn huyện hoặc nấu ăn tại các nhà hàng, một số tự mở quán ăn, kinh doanh…

Năm 2015: Tổ chức lớp “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả” cho 34 học viên. Hiện còn, 34 hộ đều tham gia làm vườn, chăm sóc các lọai cây ăn quả”. Đời sống của các gia đình trên phát trển trông thấy. 34 hộ của khóa học đã thành lập câu lạc bộ làm vườn, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, ghép, lai giống cây trồng…

Năm 2016 : Tổ chức lớp “ đan lát ” ghế, đẩu, giỏ xách tay…bằng bẹ chuối cho 25 học niên nữ để vừa giải quyết thời gian nông nhàn, vừa tăng thu nhập. Nhiều chị, có nhiều sáng tạo và trở thành đầu mối, đại lý thu mua sản phẩm của chị em trong xã. Đồng thời “nắm tay chỉ việc” cho các chị em thao tác các mẩu hàng mới, tạo sự đa dạng về sản phẩm.

 Ngoài những lớp trên, TTHTCD xã đã  mở nhiều lớp dạy cắt may công nghiệp, nuôi lợn…

 

Đồng chí Trần Thị Thanh Mai Phó Chủ tịch HKH tỉnh ( người mặc áo xanh đậm ) và đồng chí Nguyễn Thị Hương Giang Ủy viên Ban Thường vụ  HKH tỉnh Khánh Hòa     ( người mặc áo vàng ) thăm một mô hình đan lát tại xã Diên Thọ năm 2018

Những khó khăn thực tế trong quá trình tổ chức :

          Trong quá trình triển khai dạy nghề tại TTHTCĐ xã, trung tâm cũng đã có những khó khăn, bất cập :

- Việc chọn đơn vị để ký hợp đồng dạy nghề sao cho phù hợp, có đầy đủ tư cách pháp nhân, điều kiện về kinh tế, dụng cụ giảng dạy, giảng viên… để có thể hòan thành lớp sau một thời gian dạy và học. Nghĩ thì đơn giản nhưng đây là một vấn đề nan giải và mất nhiều thời gian cho ban giám đốc. Ngoài trường trung cấp hoặc cao đẳng nghề ở địa phương, những cơ sở khác không có tư cách pháp nhân để giảng dạy.

          - Sau khai giảng lớp học, việc duy trì sĩ số học viên của lớp là việc khá khó khăn. Học viên các TTHTCĐ đại đa số có gia đình, lo toan nhiều chuyện trong cuộc sống nên cán bộ TTHTCD phụ trách lớp phải lấy số điện thoại học viên để liên lạc, hoặc đến tận nhà để nhắc nhở khi học viên vắng mặt. Do thời gian học tập khá dài nên cán bộ phụ trách và các ban ngành vận động phải kiên nhẫn và thực sự chịu khó mới có thể thực hiện và bảo đảm sĩ số lớp học.

          - Và khó khăn nữa là việc theo dõi nắm bắt tình hình lớp học sau khi tốt nghiệp khóa học. Cán bộ phụ trách TTHTCĐ lại tiếp tục liên hệ với học viên, phải đến từng hộ để nắm bắt “ đầu ra ”, thống kê được sau khi học, học viên nào đã áp dụng tốt kiến thức đã học để cải thiện kinh tế, nâng cao mức sống. Trên cơ sở đó, để TTHTCĐ truyên truyền, vận động cho các lớp sau.

- Kiện toàn hồ sơ, quyết toán tài chính lớp học…cho các đòan kiểm tra, giám sát chương trình dạy nghề theo đề án 1956. Việc thanh quyết toán phải theo nguyên tắc tài chính. Trong khi đó, việc chi phí cho khóa học nghề có nhiều phát sinh thực tế.

Dạy nghề cho lao động ở nông thôn góp phần nâng cao dân trí trong cộng đồng :

          + Thông qua các hoạt động ở lớp học và công tác điều tra nhu cầu học tập trong nhân dân, các TTHTCĐ đã góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các kiến thức về pháp luật, luật an toàn giao thông đường bộ, luất môi trường, luật hôn nhân gia đình…Việc làm trên đã góp phần nâng cao dân trí trong cộng đồng.

          + Các TTHTCĐ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên và suốt đời. Một số trung tâm, nhất là ở các xã nông thôn đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức cho người dân học tập theo các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng suất lao động...

          + Thông qua các lớp học nghề, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, gần gũi, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hạn chế các tệ nạn xã hội và tình hình trật tự trị an ở địa phương.

 

                    Lớp dạy may công nghiệp tại TTHTCĐ xã Diên Thọ năm 2017

          Những bài học kinh nghiệm :

          Qua nhiều năm triển khai và thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn, TTHTCĐ xã Diên Thọ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau :

+ Thứ nhất, cần phải có sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Thực tế thời gian qua cho thấy, địa phương Diên Thọ nhờ có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội nên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.

+ Thứ hai, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân, không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời. Vì vậy, cần nắm chắc được các nhu cầu ( theo từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc...) của người dân trong địa phương, thông qua điều tra khảo sát nhu cầu học nghề.

+ Thứ ba, do tính đa dạng công việc và tính đặc thù của người nông dân ( trình độ học vấn không đều, lao động theo mùa vụ, thói quen canh tác...) nên việc tổ chức các khóa đào tạo phải rất linh hoạt về lịch học, chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức đào tạo, phương pháp truyền đạt...

+ Thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, sao cho sau khi học xong người nộng dân áp dụng được các kiến thức vừa học vào thực tế gia đình, tạo được công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập về kinh tế.

+ Thứ năm, cũng không kém phần quan trọng là các cán bộ phụ trách tại TTHTCĐ phải thật sự nhiệt tình năng nổ, có nhiếu trăn trở từ lúc chưa mở lớp, lên kế hoạch cụ thể, có mặt thường xuyên trong tất cả các công việc, tích cực tham mưu với các cấp theo kế hoạch đã thống nhất.

        

              Theo ông Nguyễn Chí Tiến  Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc TTHTCĐ xã Diên Thọ cho biết : Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, xây dựng TTHTCĐ là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhờ có chủ trương trên, mà nhiều gia đình nông dân trong xã có cuộc sống ổn định; nhận thức về việc học đã có nhiều thay đổi, là điều kiện tốt giúp cho TTHTCĐ của xã hoạt động. Trong thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ có nhiều đầu tư cho TTHTCĐ của xã, sao cho TTHTCĐ của xã là điểm đến của mọi người dân nhất là việc dạy nghề cho lao động nông thôn.

                                                                         Nguyễn Thắng Thâu

                                                                      HKH huyện Diên Khánh

Tin khác

HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, hoi khuyen hoc viet nam tinh khanh hoa

HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, Giấy phép số: 10/GP-STTTT, ngày 28 tháng 4 năm 2016, Địa chỉ: 1A Phan Bội Châu - Nha Trang - Khánh Hòa, Điện thoại: 058.3561722, Email: khuyenhockh@gmail.com, Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Việt Dân (Chủ tịch Hội)

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM - TỈNH HỘI KHÁNH HÒA, Địa chỉ: 1A PHAN BỘI CHÂU, TP.NHA TRANG, KHÁNH HÒA, Điện thoại: (058)3561722.

CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÊN VỚI TRANG WEB CỦA HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA ... Hội Khuyến học tỉnh Khánh Hòa

HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH KHÁNH HÒA, 17 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (4/5/1998 - 4/5/2015)