GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định giáo dục Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Điều này giúp cho nhiều chính sách trong đề án xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng cần phải thực hiện chuyển đổi số thật nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa bởi: "Nếu không thực hiện chuyển đổi số thì sẽ ngày càng lạc hậu vì phần mềm hôm nay chưa kịp học, ngày mai đã ra phần mềm mới".
Do vậy, GS.TS Nguyễn Thị Doan mong muốn các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán,.. cần tích cực đưa ra nhiều phương pháp học tập theo hướng mở để giúp học sinh, sinh viên, giáo viên, người đi làm, thậm chí là nông dân, công nhân được học mọi lúc mọi nơi. Điều này, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cũng như năng suất lao động.
Tính đến nay đã bước sang năm thứ 11 trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo", giáo dục Việt Nam đã dần chuyển mình sang hướng "mở", bao gồm nguồn tài nguyên giáo dục mở và phương pháp giáo dục mở. Đây là điều kiện thuận lợi bởi cơ hội giáo dục đang ngày càng bình đẳng và bất kỳ ai, tại bất kỳ đâu, cũng có thể tham gia học tập. Chỉ với một thiết bị thông minh, học sinh ở mọi miền đất nước từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa giờ đây có thể học cùng một bài học với chất lượng như nhau. "Tri thức phải được bồi đắp hàng ngày, hàng giờ thông qua tài nguyên giáo dục mở và thông qua phương pháp mở. Không phải cứ lên lớp là học, việc học cần diễn ra ở khắp nơi!" - đó là lời kêu gọi mạnh mẽ từ GS.TS. Nguyễn Thị Doan.
GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định các Giám đốc và phó Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo đại diện cho 34 tỉnh thành có mặt tại hội thảo là "người bạn đồng hành" của hội Khuyến học Việt Nam. Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Những thay đổi lớn của ngành giáo dục đòi hỏi cần đầu tư, tập huấn và nâng cao toàn diện trình độ giáo viên - lực lượng "nòng cốt" quyết định sự thành công của nền giáo dục. Và điều này chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi có nghị quyết và chỉ thị từ lãnh đạo các tỉnh.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cùng ban tổ chức hội thảo và các đại biểu địa phương.
Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Thị Doan khuyến khích các lãnh đạo các Sở giáo dục tại địa phương cần có chiến lược "hành động" để đổi mới giáo dục của địa phương thông qua nghị quyết và chỉ thị của Đảng và của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp thật kịp thời. Trong đó, việc ứng dụng Khan Academy vào trong giảng dạy và học tập tại địa phương là điều cần thiết. Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Khan Academy đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên và học sinh trong quá trình tự học, đó là học những môn cơ bản trước, điển hình là môn Toán. Ngoài ra, Khan Academy cũng là công cụ quan trọng giúp xây dựng tài nguyên và phương pháp mở. Chương trình học trên Khan Academy đang đi đúng hướng nhân dân Việt Nam, học sinh, giáo viên và đất nước cần".
Thông qua chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng như các chuyên gia giáo dục tại Việt Nam và 17 nước khác trên thế giới, các đại biểu của các địa phương đã có cái nhìn toàn cảnh hơn về diễn biến nhanh chóng của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục toàn cầu, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Có mặt tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình đây là thời điểm cấp thiết để các địa phương cùng chung tay đẩy mạnh chuyển đổi nền giáo dục "mở", để Việt Nam không lạc hậu trên bản đồ giáo dục thế giới và để chúng ta có thể "tiến vào tương lai bằng tri thức và phát triển bền vững". Chính vì vậy, đã có rất nhiều các Sở giáo dục đã "đồng lòng" cùng với tổ chức The Vietnam Foundation và Khan Academy Vietnam thông qua biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, đánh dấu sự đồng hành, sát cánh nhằm tiếp tục mang đến những giải pháp tăng cường trải nghiệm giảng dạy và học tập, đóng góp chung vào mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục thành công.
Theo nguồn tin Tạp Chí Công dân