Để tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội được thường xuyên học tập việc xây dựng và phát triển Trung tâm học tập cộng đồng ( TTHTCĐ ) là công việc đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Ngày nay, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 việc thường xuyên học tập của mỗi người càng trở nên cấp thiết.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong 18 năm xây dựng và phát triển, các TTHTCĐ trong tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động, giúp người dân ở cộng đồng cấp xã được học tập trên nhiều lĩnh vực. Song TTHTCĐ là mô hình giáo dục mới nên cũng còn nhiều mặt yếu và khó khăn tồn tại. Để khắc phục điều đó, Trung tâm triển khai Khoa học và Công nghệ thuộc Hội Trí thức tỉnh được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa giao triển khai thực hiện Đề tài khoa học “Nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Hội Trí thức đã phối hợp với Sở GD&ĐT và Hội Khuyến học tỉnh triển khai thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu, ngày 26/12/2018 Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo khoa học “ Đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.
Ảnh: Võ Nhật Linh
Sau khi nghe Ban thực hiện đề tài Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh, ba báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu thảo luận đã nhất trí :
Về đánh giá thực trạng
- Trong quá trình hoạt động các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh có các mặt mạnh là:
70% TTHTCĐ ở đô thị, nông thôn, miền núi và ven biển của tỉnh được thành lập từ năm 2000 đến 2010, sớm thiết lập được cơ sở giáo dục không thường xuyên ở các xã, phường, thị trấn để chăm lo sự học của người dân ở cộng đồng cấp xã;
Bộ máy quản lý của các TTHTCĐ được quan tâm xây dựng. 132/137 Trung tâm ( TT ), tỷ lệ 96,3 % Ban giám đốc TT có đủ 3 thành viên trong Ban giám đốc; Hầu hết cán bộ trong Ban giám đốc các TTHTCĐ đều nhiệt tình, có trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Trong công tác quản lý, 76,6% TT đã thực hiện điều tra nhu cầu học tập của người dân; Hầu hết các TTHTCĐ thực hiện tốt sự phối hợp, liên kết với các đơn vị để xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên trong thực hiện các nội dung giáo dục và các hoạt động của trung tâm. 69 TTHTCĐ, tỷ lệ 50,4% hoạt động tốt và có hiệu quả.
Từ khi thành lập đến năm 2016 các TTHTCĐ trong tỉnh đã tổ chức cho từ 14.764 người dân đến 85.807 lượt người dân ở cộng đồng cấp xã được học tập về văn hóa, xã hội, các luật; nâng cao hiểu biết về bảo vệ môi trường, về bảo vệ sức khỏe.
Từ khi thành lập đến năm 2016, các trung tâm đã tổ chức cho nhiều người dân được học các chuyên đề về khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và học nghề để phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào sự phát triển kinh tế ở địa phương.
SỐ LƯỢT NGƯỜI DÂN THAM GIA HỌC TẬP
81 TTHTCĐ đã phối hợp với các đơn vị, hội, đoàn thể phối hợp, tổ chức cho người dân tham gia các hoạt dộng văn nghệ, 79 TT tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, 38 TT có tủ sách.
Các mặt mặt mạnh và kết quả hoạt động trên đây, các TTHTCĐ đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ở địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Hội thảo nhất trí đánh giá mặt yếu hiện nay của các TTHTCĐ là:
Số TTHTCĐ hoạt động ít hiệu quả còn nhiều. Theo số liệu điều tra năm 2016, có 68 TTHTCĐ, chiếm tỷ lệ 49,6% hoạt động ít hiệu quả.
Về tổ chức bộ máy, nhiều cán bộ kiêm nhiệm PGĐ Trung tâm, ít có điều kiện dành thời gian cho hoạt động của TT; 122 TTHTCĐ, tỷ lệ 89% không có các Tiểu ban để tham mưu cho Ban giám đốc việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các mặt hoạt động.
Còn 32 TTHTCĐ, tỷ lệ 23,3% chưa thực hiện điều tra nhu cầu học tập của người dân;
Trong thực hiện chương trình giáo dục còn những mặt yếu như Trung tâm ở các xã miền núi và ven biển còn hơn 50% chưa tổ chức các lớp học xóa mù chữ và sau xóa mù; hơn 30% các TTHTCĐ chưa tổ chức các lớp học về văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, khuyến nông, khuyến ngư và dạy nghề; công tác thi đua, khen thưởng yếu.
Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các TTHTCĐ còn nhiều khó khăn, chỉ có 12/137 TTHTCĐ có trụ sở làm việc, còn 125 TT chưa có trụ sở, các hoạt động của TT đều tại Hội trường UBND cấp xã, trong khi Hội trường thường có nhiều lịch làm việc của UBND và các ban, hội, đoàn thể. Kinh phí không đủ chi cho các hoạt động của TTHTCĐ.
Để khắc phục các mặt yếu hiện nay Hội thảo đã nhất trí với đề xuất của Ban thực hiện đề tài về
Các giải pháp để nâng cao năng lực hoạt động của các TTHTCĐ:
- Về tổ chức, đề xuất UBND tỉnh có Quyết định Ban hành Quy chế tổ chức kết hợp TTHTCĐ với TTVHTT thành Trung tâm HTCĐ-VHTT ở cấp xã trên địa bàn tỉnh; nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động, sử dụng cơ sở vật chất và tinh giảm đầu mối theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
- Về bộ máy quản lý, cán bộ quản lý TTHTCĐ-VHTT được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm, Ban Giám đốc trung tâm có Giám đốc và 3 Phó giám đốc. Giám đốc Trung tâm là Chủ tịch hoặc PCT UBND cấp xã, bố trí các chức danh kiêm Phó Giám đốc Trung tâm có điều kiện dành thời gian cho hoạt động của Trung tâm; Kế toán và thủ quỹ của trung tâm là kế toán và thủ quỹ của UBND xã kiêm nhiệm; TTHTCĐ-VHTT có 5 Tổ chuyên môn.
SƠ ĐỒ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TTHTCĐ-VHTT
Về cơ sở vật chất, trước mắt các TTHTCĐ-VHTT sử dụng cơ sở vật chất hiện có, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho trang bị để mỗi Trung tâm TTHTCĐ-VHTT trụ sở hoạt động, có trang thiết bị đáp ứng các hoạt động tổ chức học tập, văn hóa thể thao ở cộng đồng cấp xã. Về kinh phí hoạt động, bao gồm ngân sách nhà nước hỗ trợ và các nguồn huy động từ xã
hội hóa; Với các TTHTCĐ-VHTT ở các xã miền núi, do hầu hết các xã chưa có doanh nghiệp, mức sống của nhân dân còn khó khăn, đề nghị UBND tỉnh có chủ chương vận động mỗi doanh nghiệp thuộc tỉnh và cấp huyện hàng năm đỡ đầu việc hỗ trợ hoạt động cho TTHTCĐ-VHTT ở 1 xã miền núi.
Về giảng viên, báo cáo viên, hướng dẫn viên mời cán bộ của các hội, đoàn thể, giáo viên của trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường học, các chuyên gia về từng lĩnh vực tham gia các hoạt động của Trung tâm.
Hội thảo đã nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất để nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm HTCĐ-VHTT là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Chính quyền, Mặt trận các cấp và sự phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể trong thực hiện các nhiệm vụ.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp./.
TS. Bùi Thị Hồng Tiến
Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa