Dù có cơ hội chuyển đến những ngôi trường tốt hơn, danh tiếng hơn với mức thu nhập tốt hơn nhưng những người thầy, người cô vẫn quyết bám trụ lại trường bởi một điều rất đơn giản: Ở đó còn nhiều học trò nghèo quá, bỏ đi sao đành?
Ngoài công việc chính là truyền thụ kiến thức, họ còn là cầu nối giúp các em học trò nghèo được tiếp tục đến trường, thực hiện được những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.
Ở tuổi gần 80, thay vì nghỉ ngơi, TS Bùi Thị Hồng Tiến - giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh Khánh Hòa - vẫn cùng hội đồng quản lý quỹ trăn trở, tìm cách cùng "Tiếp sức đến trường" giúp các tân sinh viên hiếu học.
Với bà Tiến, các em học sinh, sinh viên như những mầm xanh cần phải chăm sóc để ra trái ngọt
Cẩn thận lật từng tấm ảnh trong cuốn album đã cũ, bà Tiến xúc động nhớ về những lần trao học bổng "Tiếp sức đến trường" với những câu chuyện về hoàn cảnh và nghị lực của những tân sinh viên thật đặc biệt.
Bà Tiến rút ra tấm ảnh một cậu học sinh đứng cùng mẹ. Đó là em Nguyễn Tự Cường (huyện Diên Khánh - Khánh Hòa) với câu chuyện "cậu bé chăn bò thuê" đỗ Trường đại học Y Dược Huế với 25,25 điểm, có tên trong danh sách 50 học sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.
Nhà Cường thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2014, Cường được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Biết hoàn cảnh và nghị lực của em, bằng tiền phụ cấp công việc, bà Tiến đã ủy nhiệm Quỹ khuyến học trao học bổng thêm cho em mỗi năm 4 triệu đồng đến khi em tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế năm 2020.
Em đang học cùng lúc hai bằng sau đại học là thạc sĩ và bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại khoa ở Trường đại học Y Dược Huế.
Vào những ngày nghỉ, có không ít người dân đến phòng trọ của Cường ở Huế để được khám bệnh miễn phí. Nhiều người muốn gửi tiền công khám bệnh để phụ trả tiền trọ nhưng Cường nhất quyết từ chối.
"Nhờ có khoản học bổng em đã có thể trang trải trong suốt thời gian học xa nhà. Sau khi học xong và có việc làm, em sẽ mở một phòng khám từ thiện để giúp những người nghèo không có tiền chữa bệnh như ba em", Cường dự định.
Cường tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế năm 2020
Năm 2011, bà Tiến được báo Tuổi Trẻ mời đến dự lễ trao học bổng, nhưng bà rất bất ngờ vì trong danh sách không có em Hồ Thị Kim Trâm (huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa), một trường hợp đặc biệt đến dự. Thấy lạ, bà Tiến đã nhờ chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vạn Ninh đến gia đình em để tìm hiểu nguyên nhân.
"Sau khi tìm hiểu, tôi biết được em đã không nhập học hơn một tháng vì phải đi giúp việc để phụ mẹ nuôi em. Tôi liên hệ mẹ của em và bảo hai mẹ con hãy đến nhà tôi, tôi sẽ giúp em được đi học. Ngay trong chiều hôm đó, tôi đã vận động bạn bè cùng hỗ trợ tiền ăn hằng tháng cho tới khi em học xong đại học. Còn học phí và sinh hoạt phí của em từ năm 2012 do Quỹ khuyến học hỗ trợ", bà Tiến kể.
Năm 2015, khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư công nghệ thực phẩm loại giỏi, Trâm đã vào làm cho một công ty tại tỉnh và giúp mẹ nuôi các em ăn học.
Bà Tiến nguyên làm việc tại Trường Đảng tỉnh Phú Khánh (nay là Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa) với hơn 20 năm công tác, trong đó có 14 năm làm hiệu trưởng. Đầu năm 2000, bà nghỉ hưu, làm chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Đến tháng 4-2012, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Khánh Hòa thành lập, bà được bầu làm giám đốc quỹ cho tới nay.
Bà Bùi Thị Hồng Tiến - giám đốc Quỹ Khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa - trao học bổng cho tân sinh viên năm 2019
Vì bà dành nhiều tâm huyết cho công tác khuyến học, nên nhiều người gọi bà là "tiến sĩ khuyến học". Từ khi nghỉ hưu, bà luôn sát cánh cùng chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ.
Nếu như ở các tỉnh thành khác hồ sơ "Tiếp sức đến trường" trong nhiều năm thường triển khai qua ba đường dây (gồm hệ thống truyền thông báo Tuổi Trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên) thì ở Khánh Hòa có thêm đường dây thứ tư lan tỏa đi khắp nơi, từ phố phường cho đến miền núi xa, nhờ hệ thống Hội Khuyến học các cấp từ tỉnh đến xã - phường.
Bà Tiến bên những tấm ảnh trao học bổng cho học sinh, sinh viên
Chị Hoàng Thị Giao, cán bộ nhận hồ sơ "Tiếp sức đến trường" ở văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, cho biết trong nhiều năm bà Tiến và Quỹ khuyến học đã triển khai, đốc thúc và hướng dẫn việc làm hồ sơ tham dự chương trình "Tiếp sức đến trường" rất nhanh và hiệu quả.
"Trong quá trình xét hồ sơ có nhiều trường hợp khó khăn nhưng vượt quá số học bổng được cấp. Cô Tiến lại kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm cho các em. Đặc biệt, đã có nhiều em sau khi nhận học bổng được cô giúp đỡ phí sinh hoạt suốt bốn năm đại học", chị Giao kể.
Sau mỗi mùa trao học bổng, bà Tiến lại làm việc với các nhà tài trợ, các cấp hội khuyến học, để khi có kết quả vào đại học là các hội khuyến học địa phương hướng dẫn các em làm hồ sơ ngay.
"Việc làm này phải thực hiện từ sớm vì các em cần một khoản tiền lớn để nộp học phí, trang trải sinh hoạt khi vào năm nhất đại học. Năm nay làm hồ sơ xét học bổng online chứ không phải đi nộp trực tiếp nữa nên rất thuận tiện", bà Tiến nói.
Những ngày cuối tháng 9, tiết trời miền Tây mưa nắng thất thường. Đang nắng bỗng dưng đổ mưa khiến những con đường đất thêm lầy lội. Những bước chân đến thăm các em học trò nghèo của cô Nguyễn Mỹ Phương cũng thêm phần khó khăn.
Ở tuổi ngấp nghé 50, dù đi lại có phần khó khăn nhưng cứ hễ nghe ở đâu có hoàn cảnh cần giúp đỡ, cô Phương lại nhờ chồng chở đi thăm. "Có lẽ do hồi đó tôi phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn nên giờ cứ nghe ở đâu có học trò nghèo là tôi lại không chịu nổi. Dù có xa xôi hay đường sá khó khăn như thế nào tôi cũng tìm mọi cách để các em không phải nghỉ học", cô Phương nói.
Cô Nguyễn Mỹ Phương đang là giáo viên dạy môn ngữ văn tại Trường THPT Tứ Kiệt (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Dù công việc có bận rộn đến mấy, cô cũng dành một khoảng thời gian trong ngày để tìm hiểu hoàn cảnh những học trò nghèo và kết nối với nhà hảo tâm.
Có những cô cậu học trò, cô Phương giúp đỡ từ bậc tiểu học, lên cấp 3 và cho đến khi học hết đại học.
Suốt buổi nói chuyện, cô Phương rất ít nói về những việc mình đã làm. Cô kể về những tấm gương hiếu học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà có những khoảnh khắc, các em đã muốn dừng bước. Chính vì nhận ra điều đó nên trong suốt nhiều năm qua, dù đã có nhiều lời đề nghị xin cô về trường khác để dạy, cô vẫn muốn ở lại ngôi trường mà cô đã gắn liền suốt 25 năm qua.
"Vì chỉ có ở đây, tôi mới hiểu được hết từng hoàn cảnh, từng em học sinh của tôi và tôi biết được các em đang cần gì. Tôi có thể chuyển trường đi dạy nơi khác nhưng cứ nghĩ còn quá nhiều em khó khăn, tôi bước đi sao đành", cô Phương tâm sự.
Tuổi thơ trải qua nhiều mất mát, khó khăn để hôm nay trở thành một ông giáo trường làng, thầy Nguyễn Văn Hận - giáo viên dạy toán Trường THPT Trần Trường Sinh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - luôn tâm niệm: Ngoài làm tốt công việc chuyên môn, phải làm gì đó để giúp những hoàn cảnh khó khăn vươn lên, không để các em học sinh vì nghèo mà bỏ học giữa chừng.
Sinh ra tại vùng đất miệt cồn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - vùng đất đầy nắng gió, nhưng khó kiếm miếng ăn, thầy Hận nếm trải muôn vàn khó khăn ngay từ khi lọt lòng. Cái nghèo, cái khó đã tôi luyện nên một người thầy giáo trẻ đầy bản lĩnh, đầy nhiệt huyết và cũng rất giàu tình thương như ngày hôm nay.
Thầy giáo Hận trong một lần đi làm công tác thiện nguyện
Bên ly cà phê tại một quán cóc ven đường, thầy giáo trẻ thuộc thế hệ 8X mở lời: "Lâu lắm rồi mới có được một chút thời gian rảnh rỗi như vậy. Có lẽ số tui vất vả quen rồi, sinh ra đã vất vả. Lẽ ra, bây giờ công việc đã ổn định, nếu tôi chỉ làm việc chuyên môn, ngày dạy học xong rồi về nhà vui với vợ con thì quá nhàn nhã. Nhưng tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn, từng có nhiều người trong gia đình bàn nghỉ học nên tôi không muốn điều đó xảy ra với các em học sinh của mình".
Hằng năm, cứ đến dịp báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên", thầy Nguyễn Văn Hận lại chạy đôn chạy đáo tìm đến tận nơi các hoàn cảnh để tìm hiểu kỹ trước khi giới thiệu đến báo Tuổi Trẻ.
"Biết được số lượng nhận học bổng có hạn nên mỗi lần chọn một hoàn cảnh để giới thiệu cho quý báo, tôi thường chọn trước rất kỹ. Tôi còn nhớ năm 2019, tôi chọn ra 5 trường hợp để nhận học bổng thì có đến 4 trường hợp được nhận học bổng của báo. Trong đó có một suất đặc biệt. Kể ra tôi cũng mát tay đó chứ", thầy vừa cười vừa nói. Thầy đã làm cầu nối giới thiệu hàng chục em tân sinh viên tiếp cận được với học bổng này.
Thầy giáo Hận trong một lần đi làm công tác thiện nguyện
Về công tác giảng dạy tại Trường THPT Trần Trường Sinh từ năm 2004, điều khiến thầy giáo dạy toán đau đáu nhất vẫn là câu chuyện các em học sinh phải nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh nghèo khổ.
Cứ mỗi lần nghe tin có học sinh nghỉ học do không có tiền để đóng tiền học, thầy Hận lại nhói lòng ngực khi nhìn thấy chính mình của hơn 10 năm về trước. Điều đó thôi thúc thầy phải làm điều gì đó để thay đổi cuộc đời các em.
"Rồi cơ hội để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn cũng đến thật tình cờ. Tôi còn nhớ vào một buổi họp lớp cựu học sinh vào dịp Tết năm 2017. Các em học sinh đóng tiền lại để mua bánh kẹo, nước ngọt liên hoan và có dư ra chút ít. Sau khi bàn bạc, các em học sinh giao cho tôi để giúp các em khóa sau có hoàn cảnh khó khăn. Chính số tiền này là sự khởi đầu cho công tác thiện nguyện của "Nhóm từ thiện Miệt Cồn" sau này", thầy Hận nói.
Thầy Nguyễn Văn Hận - giáo viên dạy toán lớp 10 Trường THPT Trần Trường Sinh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của trường và nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre do có nhiều đóng góp trong việc vận động kinh phí làm giao thông nông thôn
Đến nay, "Nhóm từ thiện Miệt cồn" do chính thầy Hận lập ra đã có 30 thành viên chủ chốt và khoảng 100 tình nguyện viên đủ tầng lớp. Từ chỗ lập ra để giúp đỡ các em học sinh nghèo, nhóm mở rộng hoạt động giúp đỡ thêm những hoàn cảnh khó khăn, những cụ già neo đơn, mở các bếp ăn từ thiện và làm cầu, đường.
Cứ nghe tin ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, ở đâu có học sinh nghèo cần hỗ trợ là thầy lại đến tận nơi tìm hiểu, rồi đứng ra kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ hết mình. Với thầy Hận, việc làm từ thiện cũng là một cách đưa các em học sinh vào đời, để các em thấy được tình thương yêu luôn ở quanh ta. Và thầy cũng lấy công việc từ thiện như một cách trả ơn với đời, với những người đã từng giúp đỡ mình lúc khốn khó, bần hàn.
Theo Báo Tuổi trẻ